Sự phát triển nhanh chóng của đô thị hóa đem lại những tiện nghi sống mới nhưng cũng gây nên sự ngột ngạt trong cuộc sống. Vì vậy, nhiều người đang lựa chọn con đường bỏ phố về quê để tận hưởng sự thanh bình và trong lành của cuộc sống thôn quê. Nếu muốn thì bạn cũng có thể tự xây cho mình một ngôi nhà vườn đơn giản truyền thống mang trong mình ký ức về ông cha thời xưa. Bài viết hôm nay sẽ giới thiệu đến bạn một số đặc điểm kiến trúc cũng như một vài mẫu nhà đơn giản truyền thống để bạn có thể tham khảo.
Đặc điểm của nhà vườn truyền thống
Tùy vào từng vùng và khu vực mà nhà vườn truyền thống có cách thiết kế khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung chúng đều có phần mái ngói đỏ xếp kiểu âm dương, phần sân được lát gạch đất nung đỏ, sân vườn xung quanh rộng rãi, có ao, hồ cá, có vườn cây ăn quả, hàng rào, nhà chính, nhà phụ…
Các thiết kế nhà vườn đều rất đa dạng không bị bó buộc. Dựa theo địa hình núi, sông xung quanh mà cách bố trí vườn và nhà có thể thay đổi sao cho hài hòa với cảnh vật vốn có của địa phương. Gia chủ vừa có thể tận hưởng không khí trong lành, tự nhiên, vừa có thể tận dụng được vườn cây, ao cá để cung cấp thực phẩm cho gia đình.
Mẫu nhà vườn truyền thống đẹp.
Chi phí xây dựng nhà vườn truyền thống có đắt không?
Nếu để so sánh với các kiến trúc nhà vườn theo kiểu hiện đại thì có thể thấy chi phí xây dựng nhà vườn truyền thống cũng không quá cao. Trong một vài trường hợp, bạn cũng không cần thuê đơn vị thiết kế để thi công xây dựng mà có thể tự tìm hiểu, tự lên ý tưởng.
Còn nếu bạn muốn thuê đơn vị thiết kế thì giá thành cũng không quá cao vì không cần bỏ nhiều công sức cho thiết kế nội thất. Thêm vào đó thời gian thi công xây dựng nhà vườn truyền thống cũng không lâu.
Mẫu nhà vườn truyền thống phổ biến
Nhà vườn truyền thống kiểu Huế
Do chịu ảnh hưởng sâu sắc từ phong cách thiết kế cung đình Huế nên nhà vườn Huế mang một nét rất riêng của vùng cố đô. Nó là nghệ thuật mô phỏng hình dáng thiên nhiên trong mỗi góc thiết kế. Vườn truyền thống kiểu Huế nổi bật với nhiều cây cảnh được cắt tỉa, uốn nắn rất công phu. Khu vườn thường có đủ các loại cây ăn quả theo mùa, cây xanh quanh năm, bể cá cảnh cùng hòn non bộ, là nơi tận hưởng thú vui điền viên sau những ngày làm việc vất vả.
Nhà vườn Huế là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của kinh thành Huế xưa kia. Hàng rào được làm tự nhiên từ những hàng cây hoa dâm bụt hay cây chè tàu được cắt tỉa vuông vắn. Kiến trúc chính là khu nhà ở có rường gỗ chạm trổ nhiều hoa văn vân mây được dùng làm nơi thờ phụng tổ tiên. Khu nhà phụ thì dành làm chỗ cho gia đình gia chủ nghỉ ngơi. Nhà vườn kiểu Huế gợi lên cảm giác tao nhã, nhẹ nhàng, như một chốn an dưỡng theo đúng phong cách của người dân cố đô.
Kiến trúc nhà vườn kiểu Huế.
Nhà vườn truyền thống nông thôn vùng Bắc Bộ
Nhà vườn truyền thống Bắc Bộ chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa vùng châu thổ sông Hồng. Nhà được xây sát với mặt đất, với những nguyên vật liệu tự nhiên như tre, nứa, rơm rạ tạo không khí mộc mạc, đơn sơ. Bước qua cổng chính sẽ là vườn cây xanh phủ bóng mát rồi mới đến sân, nhà chính, nhà phụ, khu bếp, khu vệ sinh, chuồng chăn gia súc, vườn rau nhà, hàng rào. Đây là một kiến trúc khép kín nhà - ao - vườn, vừa cung cấp được thực phẩm tươi ngon cho gia đình, vừa là không gian sinh hoạt thoáng đãng.
Vùng Bắc Bộ tiếp giáp trực tiếp với Vịnh Bắc Bộ, hàng năm đón gió lạnh từ phương Bắc, gió nóng từ Lào, bão từ biển Đông nên nhà thường được xây hướng Nam. Nhà vùng Bắc Bộ có kết cấu ba gian, một gian chính và hai gian bên hông. Gian chính được dùng để thờ cúng tổ tiên, hai gian bên hông dùng để ở. Nguyên vật liệu xây nhà cũng rất đơn giản, lấy từ tự nhiên. Khung nhà làm bằng gỗ mít, gỗ xoan, tường làm bằng gạch đá hoa trát vữa rồi quét vôi trắng. Khu vườn phía sau nhà trồng nhiều rau, cây ăn trái vừa cung cấp rau sạch, vừa tạo bóng mát điều hòa không khí.
Nhà vườn truyền thống vùng Bắc Bộ.
Lời kết
Hy vọng rằng thông qua bài viết, bạn đọc đã thu được cho mình những kiến thức hữu ích và hiểu thêm về kiến trúc nhà vườn tại Việt Nam. Mong rằng bạn sẽ chọn được cho mình một mẫu thiết kế phù hợp, hài hòa giữa diện tích, điều kiện và phong thủy.
Xem thêm bài viết: 3 Cách Thiết Kế Sân Vườn Đẹp Bạn Nên Biết