Nhà cổ Ông Kiệt - Tiền Giang gần 200 năm tuổi

Mảnh đất Tiền Giang vốn nổi tiếng với hàng chục căn nhà cổ trên trăm năm tuổi được thiết kế bởi lối kiến trúc độc đáo. Tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè có căn nhà cổ của gia đình ông Trần Tuấn Kiệt được mệnh danh là “Cửu đại mỹ gia” của Việt Nam.

Nhà cổ Ông Kiệt - Tiền Giang

Nhà cổ Ông Kiệt có địa chỉ ở Số 22, tổ 1, ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Từ chợ nổi Cái Bè, khách du lịch sẽ mất khoảng 30 phút đi ghe tới đến bờ kênh, sau đó đi bộ một quãng đường khoảng 1 km là sẽ tới căn nhà.

Nhà cổ Ông Kiệt - Tiền Giang

Đây chính là ngôi nhà đầu tiên của dòng họ Trần ngày xưa khi di cư vào Tiền Giang. Sau khi chủ nhân của ngôi nhà ông Trần Tuấn Kiệt qua đời, vợ ông là bà Lê Thị Chính coi sóc và gìn giữ ngôi nhà gần 200 năm tuổi của dòng họ Trần. 

Nhà cổ Ông Kiệt - Tiền Giang

Kể về lịch sử của Nhà cổ Ông Kiệt, bà Chính chia sẻ rằng cách đây 200 năm, ông tổ là người gốc Huế do loạn lạc nên di cư vào Tiền Giang; khi đó ông mua một căn nhà gỗ nhỏ sau này trong quá trình sinh sống ở đây thì làm thêm căn nhà gỗ lớn như bây giờ.

Thời điểm xây nhà điều kiện về kĩ thuật, phương tiện còn nhiều khó khăn nên phải mất đến 10 năm ngôi nhà mới hoàn thành. Rất nhiều gỗ quý từ Campuchia được sử dụng làm vật liệu chính để hoàn thiện căn nhà; được vận chuyển bằng ghe hoặc thuyền trên đường sông và thậm chí vừa kết bè gỗ thả trôi theo dòng nước.

Nhà cổ Ông Kiệt - Tiền Giang

Xung quanh nhà có rất nhiều cây trái sum suê là vì ngày xưa trong lúc xây dựng, các thợ làm nhà ăn trái cây và vứt hạt xung quanh ngôi nhà. Toàn bộ thợ xây Nhà cổ Ông Kiệt đều được tuyển từ miền ngoài vào, họ đã mang cả gia đình, vợ con theo vào đây vì thời gian hoàn thiện căn nhà rất lâu. Tới nay, nhiều gia đình trong làng Đông Hòa Hiệp là con cháu thợ làm nhà ngày trước.

Nhà cổ Ông Kiệt - Tiền Giang
Nhà cổ Ông Kiệt được xây dựng vào khoảng năm 1838 với lối kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 3 gian, 2 chái và diện tích lên đến gần 1000 m2. Chống đỡ nhà có 108 cây cột được làm từ các loại vật liệu gỗ quý như gỗ lim, gỗ giáng hương, gỗ cẩm la... Trên các bộ kèo, cột, xiên và vách của ngôi nhà được trang trí hoa văn được chạm khắc công phu thể hiện nét đẹp đặc trưng của phong cách kiến trúc tại vùng đất Nam Bộ.

Nhà cổ Ông Kiệt - Tiền Giang

Mái nhà lợp ngói âm dương gồm một hàng sấp và một hàng ngửa xen kẽ. Kèo cột trong nhà được sắp xếp theo lối chồng rường cực kỳ chắc chắn. Tranh treo tường được khảm xà cừ hết sức lộng lẫy. Nối liền các trục chính của ngôi nhà cổ là hệ thống bao lam được chạm lộng Mai, Lan, Cúc, Trúc cách điệu hài hòa, các họa tiết mềm mại thể hiện nét đặc trưng văn hóa của người Nam Bộ ngày xưa.

Nhà cổ Ông Kiệt - Tiền Giang

Tất cả đèn trong Nhà cổ Ông Kiệt đều là đèn dầu được treo với những sợi dây đúc hoa văn cầu kỳ. Bàn và sập của ngôi nhà được làm từ gỗ quý nguyên tấm đen bóng với họa tiết tinh xảo, nhưng đường nét cực kỳ hài hòa. Nền nhà được xếp gạch tấm vuông nung thô, hợp với tường gỗ và mái ngói.

Nhà cổ Ông Kiệt - Tiền Giang

Vào năm 2002, tổ chức JICA Nhật Bản đã đến xác nhận Nhà cổ Ông Kiệt là một trong những Ngôi nhà đẹp nhất Việt Nam. Đây là một trong những công trình kiến trúc độc đáo tại làng cổ Đông Hòa Hiệp rất đáng ghé thăm khi Quý độc giả du lịch tại mảnh đất Tiền Giang.

Bình luận