Sơn Tây - mảnh đất huyền thoại của xứ Đoài được biết đến như trung tâm của một vùng văn hoá có núi Tản, sông Đà, đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam với vị thế vùng đất "địa linh, nhân kiệt". Tại đây có ngôi đình cổ Đình Mông Phụ hơn 500 năm tuổi thu hút nhiều lượt khách du lịch mỗi năm.
Với mong muốn dân làng luôn bình an, thịnh vượng, người dân thờ vọng Tản Viên Sơn Thánh làm Thành Hoàng làng cùng với thần làng tại Đình làng Mông Phụ. Cũng nhờ ân đức ấy mà làng đã nuôi dưỡng nhiều nhân tài mang lại vinh quang cho đất nước.
Đình Mông Phụ là kiến trúc độc đáo và khác biệt của đồng bằng Bắc Bộ. Thiết kế đình chính không có tường vách ngăn che, chỉ một lan can có chấn song hình con tiện bao quanh ba mặt đến tường của Hậu cung.
Đình Mông Phụ được xây dựng trên một khu đất trung tâm và cao nhất của làng, rộng khoảng 1.800 m2 tại Làng cổ Đường Lâm - Thị xã Sơn Tây - Hà Nội. Đình được xây dựng vào năm 1533 dưới thời Vua Mạc Đăng Doanh. Trải qua hàng trăm năm, đình đã được tôn tạo, tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc, điêu khắc ở những năm đầu thế kỷ 19.
Từ ngoài vào là Nghi Môn, Tả hữu mạc, Đình chính và nhà Xích Hậu ở phía tả Đại Đình. Đây là ngôi nhà nhỏ 3 gian 2 chái, bẻ góc cong bốn mái duyên dáng là nơi mà hàng năm bà con dân làng vẫn thực hiện lễ cúng cầu mát (Theo âm lịch vào ngày 1 tháng 4 và ngày 1 tháng 7).
Nghi môn được xây dựng gồm bốn trụ vuông gạch, hai trụ lớn và hai trụ nhỏ. Bốn đầu trụ tạo tác lồng đèn hình vuông có chạm nổi hình tứ linh. Trên đỉnh của hai trụ lớn có hai con sư tử ngồi nhìn ra phía giữa. Đỉnh của hai trụ nhỏ đội hai bình hoa và ba mặt trụ có các câu đối chữ Hán chạm nổi.
Hai bên sân Đình là hai nhà Tả, Hữu mạc là hai dãy nhà ba gian hai dĩ với bốn mái lá, lợp ngói và được bưng sàn gỗ; trong đó có một bên thờ quan ôn, quan đương niên và một bên thờ tổ tiên các dòng họ trong làng. Bên trong là Khánh Đồng, Khánh Đá đây là hai di vật còn lại của Văn Miếu Đường Lâm xưa hiện được lưu giữ tại Đình làng Mông Phụ - Là “Văn Thánh Miếu Khánh” của Đường Lâm văn hiến.
Đại Đình xây dựng theo lối kiến trúc Việt Mường là lối nhà sàn kết hợp với những hàng lan can hình con tiện bao quanh, các mặt để trống. Đại bái được xây dựng năm 1859, gồm ba gian hai chái nối chuôi vồ với Hậu Cung theo kiểu “Thượng chồng rường, giá chiêng kẻ bẩy” với 6 hàng chân cột với 48 cột lớn nhỏ bằng gỗ lim, bưng sập gỗ và chạm khắc hình rồng, mây, hoa lá mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lê - Nguyễn.
Chính giữa có cửa võng hình lưỡng long chầu nguyệt sơn son thiếp vàng cùng một ban thờ lớn trang trí hình rồng, hổ phù, chữ thọ, mây, lá... góc bên phải nổi bật là bức chạm khắc mang chủ để “Lão long huấn tử” - Rồng già dạy con.
Trong đình thờ thần Tản Viên Sơn Thánh (tức thần Tản Viên), là một trong bốn vị thánh Tứ bất tử của người Việt, làm Thành hoàng làng. Trong nội thất của đình hiện còn bảo lưu được rất nhiều hiện vật quý giá và có một bàn thờ lớn trang trí bằng tượng rồng, hổ phù ngậm chữ “Thọ”.
Đình Mông Phụ còn được trang trí bởi rất nhiều bức hoành phi, câu đối tiêu biểu như bức hoành phi “lão long huấn tử”, hay bức hoành phi với 4 chữ “Dũng cảm cả tưởng” do vua Thành Thái ban tặng cho dân làng sau một trận săn bắt cướp. Các hiện vật được lưu giữ trong đình hiện còn có 17 đạo sắc phong, kiệu, bát, các đồ tế tự bằng gỗ, đồ gốm sứ, hoành phi, câu đối, cửa võng.
Theo quan niệm của dân làng, Đình Mông Phụ đặt trên đầu rồng mà hai chiếc giếng ở hai bên là hai con mắt.
Lễ hội đình Mông Phụ diễn ra vào các ngày 8, 9, 10 tháng 01 âm lịch, với những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu. Ngày nay đình là điểm thăm quan thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đình Mông Phụ đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1984. Nếu ghé tới Sơn Tây, Quý độc giả hãy dành thời gian tới Làng cổ Đường Lâm để thăm quan khu di tích Đình Mông Phụ hơn 500 năm tuổi nhé.